Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ Kissinger

Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ Kissinger

https://kevesko.vn/20230126/cuoc-dau-tri-giua-ong-le-duc-tho-va-henry-kissinger-de-ky-hiep-dinh-paris-20806016.html

“Hào quang trận Điện Biên phủ trên không”

Ngày 18/12/1972, khi ông Lê Đức Thọ vừa từ sân bay Gia Lâm về tới nhà thì máy bay B-52 của Mỹ bắt đầu dội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác. Tuy vậy, kế hoạch đánh bom nhằm lật ngược tình thế của Nixon đã thất bại thảm hại, và các cuộc gặp giữa ông Lê Đức Thọ và Kissinger tiếp tục được nối lại đầu năm 1973.

"Cố vấn Lê Đức Thọ tới Paris trong hào quang trận Điện Biên phủ trên không", ông Lưu Văn Lợi cho biết.

Không như lần trước, đoàn Việt Nam không ra đón Kissinger ngoài cổng. Sau 12 ngày đêm khói lửa trên bầu trời Hà Nội, phía Hà Nội biểu thị sự lạnh nhạt với người Mỹ.

"Các ông lấy cớ đàm phán gián đoạn để ném bom miền Bắc Việt Nam lúc tôi vừa về đến nhà. Hành động của các ông trắng trợn và thô bạo. Các ông tưởng làm như vậy có thể khuất phục được chúng tôi, nhưng các ông nhầm. Chính các ông làm cho đàm phán khó khăn, danh dự nước Mỹ hoen ố", ông Thọ phê phán Mỹ.

Biện minh cho hành động của Mỹ, Kissinger cho rằng, cách đàm phán của Hà Nội cuối năm 1972 khiến Washington cho rằng muốn kéo dài, không giải quyết vấn đề.

Trước đề nghị của Kissinger về việc thôi không chỉ trích nữa, ông Thọ đáp trả:

"Tôi kiềm chế lắm rồi, chứ dư luận thế giới, nhà báo và các nhân vật ở Mỹ còn dùng câu chữ dữ dội hơn nhiều".

Cách ký hiệp định là vấn đề kỹ thuật, nhưng cả bốn bên tham gia đàm phán đều cùng quan tâm. Ông Lê Đức Thọ yêu cầu hai bên ký và bốn bên ký. Phía Kissinger không đồng ý, đề ra 3 phương án nhưng đều không có tên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cuối cùng, Kissinger đề nghị hai bên ký, bốn bên ký nhưng trong bản bốn bên thì mỗi bên ký một tờ riêng biệt và cả bốn tờ gộp chung vào hiệp định, mỗi người tham gia ký đều ghi chức vụ. Phương án này được chấp nhận.

Ông Lê Đức Thọ cũng đề nghị thêm về Nghị định thư về bồi thường. Kissinger hứa, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào hàn gắn vết thương chiến tranh, nhưng không nên có Nghị định thư khi tù binh Mỹ chưa được thả và số tiền cũng cần được Quốc hội thông qua. Do đó, hai bên sẽ trao công hàm và bàn sau. Ông Lê Đức Thọ đồng ý.

Trong buổi họp cuối hôm 13/1/1973, Kissinger đề nghị lễ ký không đọc diễn văn và chỉ chúc từng người bên ngoài. Đó là ngày trang trọng ở Mỹ, và ở Việt Nam càng trang trọng hơn.

"Vì vậy, chúng ta nên khởi đầu với thái độ hòa giải, quảng đại, nồng nhiệt với nhau", Kissinger nói và ông Thọ cũng đồng ý như vậy.

Kết thúc ngày họp cuối, hai đoàn ăn cơm chung. Ông Lê Đức Thọ nâng cốc với Kissinger, cho biết "đây là kết quả bước đầu nhưng rất quan trọng và cơ bản để lập lại hòa bình ở Việt Nam".

"Đến lúc này hòa bình sẽ trở lại Đông Dương, với hai dân tộc chúng ta vào ngày ký hiệp định", Kissinger đáp lại.

Ngày 23/1/1973, sau khi ký tắt hiệp định Paris, Kissinger trao bút cho ông Lê Đức Thọ và nói "tôi tặng ông cây bút này để nhớ mãi ngày lịch sử". Để trả lễ, ông Lê Đức Thọ cũng tặng lại Kissinger cây bút của mình, đồng thời dặn "ông ký rồi phải giữ lời nhé".

Sáng 27/1, lễ ký kết Hiệp định Paris chính thức diễn ra tại trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber.

Đúng 10h, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh; Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Ngoại trưởng Mỹ William P. Rogers; Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm đã ký vào văn bản hiệp định.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh và Ngoại trưởng William P. Rogers tiến hành ký hiệp định và các nghị định thư. Sau mỗi lễ ký, các bên nâng champagne chúc mừng cho hòa bình được lập lại ở Việt Nam.

Hiệp định Paris có 9 chương, 23 điều. Về chính trị, Mỹ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ cũng không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Về quân sự, ngừng bắn, Mỹ rút hết quân trong 60 ngày. Đồng thời, chấm dứt bắn phá miền Bắc, cũng như nhận tháo gỡ mìn do Mỹ đã rải ở miền Bắc.

Về nội bộ miền Nam, các bên thống nhất nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để tổ chức tổng tuyển cử.

Bên cạnh đó, Mỹ sẽ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, hai ông Lê Đức Thọ và Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, ông Thọ đã từ chối nhận giải vì lý do, Mỹ là bên gây chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Ông Lê Đức Thọ cho rằng, một bên đi xâm lược, một bên chống lại quân xâm lược để giải phóng dân tộc mình thì không thể cùng chia nhau giải Nobel hòa bình. Ngoài ra, hòa bình cũng chưa thực sự hiện diện ở Việt Nam, và đất nước vẫn còn đang chia cắt.

Năm 1973, trên bàn thương lượng nhằm mang lại hòa bình thống nhất đất nước cho Việt Nam, ông Lê Đức Thọ đã có màn đấu trí cân não với cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger. Cùng năm đó, Giải Nobel hòa bình thế giới đã lựa chọn giữa ông Lê Đức Thọ và Kissinger… Cuối cùng Hội đồng chuyên gia của giải thưởng danh giá nhất thế giới này đã chọn cả hai. Thế nhưng, khi hai cái tên được vinh danh, chỉ có Kissinger bước lên bục danh dự.

“Coi chúng tôi cũng như Mỹ, điều đó là sai lầm, tôi không nhận Giải thưởng Nobel”

Việc này đã gây ra một cơn “chấn động” trước sự kiên quyết của Nhà ngoại giao lỗi lạc Lê Đức Thọ. Ngay lập tức, hàng loạt các trang báo lớn của thế giới đã đưa tin. Một bài viết trên tờ New York Times đăng ngày 24-10-1973 có tựa đề: “Tho Rejects Nobel Prize, Citing Vietnam Situation” (Lê Đức Thọ từ chối Giải Nobel Hòa Bình vì cục diện của Việt Nam).

Trong đó có nói ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng với lý do đơn giản: "Hòa bình thực sự vẫn chưa được lặp lại và ông làm vì dân tộc của ông".

Ông Lê Đức Thọ nói: "Hòa bình chưa thực sự thiết lập ở miền Nam Việt Nam. Vì thế, tôi không thể nhận giải thưởng này", New York Times trích lời.

Tôi chỉ có thể "xem xét" nhận giải thưởng khi Hiệp định Paris được tôn trọng, chiến tranh ngừng lại và hòa bình thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam", New York Times dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán của Hà Nội.

Tuy nhiên, sau đó, ông Lê Đức Thọ đã viết một bức thư giải thích về quyết định của mình gửi cho bà Aase Lionaes, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel của Quốc hội Na Uy năm đó. Trong bức thư không hề nhắc tới người đồng giải thưởng Nobel năm đó với ông Lê Đức Thọ là Kissinger.

Hành động của ông Lê Đức Thọ cho thấy quan điểm đanh thép của Việt Nam, cùng một lập trường nhất quán rằng Hiệp định Paris không phải một thỏa hiệp giữa hai bên mà là một chiến thắng trước Hoa Kỳ. Vì vậy, Việt Nam không thể hài lòng khi đứng chung bậc cùng với người đại diện cho phe mà họ đã đánh bại - Henrry Kissinger.

Cũng theo tạp chí TIME, việc ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải không phải chỉ là "hòa bình". Theo TIME, vào năm 1978, khi Anwar Sadat và Menachem Begin nhận giải gây tranh cãi, hòa bình lâu dài rõ ràng không phải là điều kiện tiên quyết. Những người chiến thắng trong quá khứ bao gồm “Aristide Briand và Gustav Stresemann, các chính khách Pháp và Đức đã giành giải thưởng năm 1926 cho các Hiệp ước hòa bình Locarno và “Nhà ngoại giao Mỹ Frank Kellogg, là người khởi xướng Hiệp ước Kellogg-Briand không tưởng năm 1928” đã minh chứng cho điều này.

Cũng trong bức thư ông Lê Đức Thọ trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên hãng thông tấn Mỹ UPI Synvana Foa ngày 15-3-1985 mà thư ký của ông – Lưu Văn Lợi có ghi chép lại.

Trong đó, về sự kiện này, ông Lê Đức Thọ nói: "Bây giờ tôi nói về Giải thưởng Nobel. Chúng tôi biết, Giải thưởng Nobel là một giải thưởng lớn với thế giới. Từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tại sao tôi không nhận? Tôi không phải có khó khăn như bà nói đâu. Chỉ một điều là ai làm cho hòa bình? Bà biết rằng đây là giải thưởng Nobel cho hòa bình”.

Mỹ tiến hành xâm lược đất nước tôi 20 năm. Người chống Mỹ và làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập đưa hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ.

Trong thư gửi Ủy ban Giải Nobel, tôi đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào? Nhưng Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel!”.

Đối lập với sự từ chối của ông Lê Đức Thọ, ông Kissinger đã tự hào nhận giải thưởng trị giá 510.000 USD vào năm 1973 như một bài đăng ngắn gọn trên tờ New York Times. “Ngoại trưởng Kissinger vẫn dự định đến Oslo vào ngày 12 tháng 12 để nhận giải Nobel Hòa bình”.

Tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ có viết một bài ngày 25 tháng 10 năm 2015 đã viết quyết định của Ủy ban Nobel đã "khơi dậy một cơn bão chỉ trích chưa từng có".

"Chỉ có Nhà Trắng là vui vẻ thông báo về sự kiện này. Kissinger rất vui vẻ khi biết tin, trong khi Tổng thống Nixon thậm chí còn phát biểu cho rằng giải thưởng này là “sự tưởng thưởng xứng đáng cho nghệ thuật đàm phán của người Mỹ trong cuộc chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình ở Việt Nam”, theo TIME.

Niềm vui đó không tồn tại được lâu vì truyền thông Mỹ hiển nhiên không đồng tình với Nixon và Kissinger. Tờ New York Times gọi giải thưởng Nobel năm đó là “Nobel vì Chiến tranh". Tờ Washington thì cho rằng “người Na Uy thực sự rất có khiếu hài hước”.

Còn diễn viên hài nổi tiếng chuyên châm biếm chính trị Tom Lehrer thậm chí đã phát biểu: “Châm biếm chính trị đã trở nên lỗi thời kể từ khi Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa Bình’’.

Trong khi đó, một độc giả của TIME đã để lại bình luận rằng: “Việc trao giải Nobel Hòa bình cho Henry Kissinger và Lê Đức Thọ giống như trao cho Xaviera Hollander (Người đẹp vui vẻ) một giải thưởng cho đức tính cao cả”.